Tin tức

TẤM LÒNG MỘ ĐẠO CỦA PHU NHÂN CHỦ TỊCH NƯỚC

Đầu tháng 12 vừa qua, công ty du lịch & dịch vụ Hoa Thiền vinh dự được tổ chức chuyến đi hành hương chiêm bái Phật tích ở Miến Điện cho bà Mai Thị Hạnh – Phu nhân chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng với các vị doanh nhân Phật tử thành đạt và các nhân sĩ trí thức.

Phải nói thật lòng, trước chuyến đi, chúng tôi lo lắng rất nhiều và rất hồi hộp, vì biết rằng đây không phải là một chuyến đi hành hương bình thường như bao chuyến đi hành hương khác mà chúng tôi đã từng tổ chức và tham gia. Chuyến đi lần này có sự tham dự của Phu nhân chủ tịch nước và rất nhiều doanh nhân thành đạt. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhiều nhất là chuyến đi không sắp xếp theo kiểu tiền hô, hậu ủng, có an ninh bảo vệ canh chừng nghiêm ngặt như chuyến đi của các vị nguyên thủ quốc gia, mà ngược lại rất bình lặng, nhẹ nhàng và đúng ý nghĩa của một chuyến đi hành hương lễ Phật. Trong suốt 5 ngày của chuyến đi, tôi có dịp được hầu chuyện Phu nhân cùng các thành viên trong đoàn và đã học được rất nhiều bài học quý giá từ bà cùng với các vị doanh nhân Phật tử. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là hình ảnh đời thường của một vị Phu nhân chủ tịch nước vô cùng bình dị, gần gũi, thân thiện, và hết lòng mộ đạo, với chất giọng Nam bộ hiền hòa, dễ mến đã phần nào nói nên tính cách của bà.

Khi đến thăm viện Bảo tàng xá lợi Phật tại Yangon, được ngài viện trưởng ưu ái dành tặng nhiều món quà Pháp bảo cao quý, Phu nhân vẫn không quên những thành viên đi cùng bà và cũng mong muốn cho họ đều có những món quà Pháp bảo giống như mình đã có hoặc bà sẽ nhường lại để dành tặng cho các thành viên trong đoàn. Đáng quý thay bài học đầu tiên mà tôi học được ở bà về sự chia sẽ những gì quý giá nhất mà mình có được đến với tất cả mọi người với tâm không phân biệt. Khi lễ Phật hoặc gặp chư Tăng, bà khiêm cung quỳ gối và chắp tay cung kính đảnh lễ sát đất với lòng chí thành chí kính tha thiết mà gạt bỏ lại thân phận địa vị cao quý của một vị Phu nhân chủ tịch một quốc gia.


Theo truyền thống của Phật giáo Miến Điện, người Phật tử khi đến chùa, phải bỏ giày dép từ ngoài sân trước khi vào trong khuôn viên của chùa, không được đội nón, che dù để thể hiện lòng tôn kính với Tam Bảo. Khi đoàn chúng tôi đến cố đô Phật giáo Bagan, trời sáng sớm của tháng 12 se lạnh, đoàn đã được thông báo bỏ giày dép trên xe để đi bộ vào khu bảo tháp thờ Phật, nhiều vị trong đoàn đề nghị phu nhân nên mang vớ vào cho khỏi lạnh lòng bàn chân, nhưng Phu nhân vẫn một mực giữ đúng truyền thống Phật giáo Miến Điện là đi chân trần vào tháp lễ Phật, mặc dù hướng dẫn viên địa phương nói Phu nhân có thể mang vớ theo. Bà nói: “ Ngày xưa Phật đi chân không độ không biết bao nhiêu chúng sanh, ngày nay mình đi lễ Phật đi chân không thế này có thấm gì đâu.” Một lần nữa khiến tôi vô cùng cảm động vì sự chân thành và kính trọng của bà đối với Tam Bảo.



Khi làm lễ dâng cúng trai phạn và đặt bát cúng dường cho hơn 1.500 nhà sư tại tu viện Maha Grandha, bà Phu nhân cũng hết lòng thành kính đi chân trần, dâng cơm cúng dường Tăng già như bao nhiêu Phật tử địa phương khác cùng các thành viên trong đoàn, mỗi lời nói, cử chỉ điệu bộ của bà rất bình dị, khiêm cung như tính cách trong đời sống thường nhật của bà nhưng toát lên sự cao quý của một người Phật tử chân chánh. Trong đoàn bà lo từng miếng ăn giấc ngủ cho mọi thành viên, kể cả HDV địa phương hay tài xế, bà ân cần thăm hỏi và động viên khi ai đó mệt nhọc, đau ốm. Đó là sự chăm sóc của những người thiện hữu tri thức cùng hành hương trên một con đường, con đường hướng đến chân, thiện, mỹ.


Tôi đã cố gắng trình bày hết tất cả những gì tôi biết được về Phật giáo và đất nước Miến Điện, như một phần tấm lòng của tôi đối với bà và các vị doanh nhân Phật tử trong đoàn mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Xem ra cái hiểu và cái học của mình quá nhỏ bé trước kiến thức xã hội và kiến thức quản lí của các vị doanh nhân thành đạt này mà tôi luôn trân trọng học hỏi ở họ thông qua cách ứng xử, giáo tiếp trong suốt chuyến đi.


Trên đường ra phi trường về nước, trước những cảm xúc vui buồn, lưu luyến và những tình cảm chân thành của cả đoàn dành tặng cho nhau, tôi miên man suy nghĩ và chợt nhớ lại câu chuyện và hạnh nguyện của Thắng Man Phu Nhân trong thời Phật. Phảng phất đâu đó một Thắng Man Phu Nhân ở bà Mai Thị Hạnh mà tôi có vinh dự trong đời được tháp tùng bà trong suốt 5 ngày tại Miến Điện. Câu chuyện về Thắng Man Phu nhân cùng những hạnh nguyện của bà còn dài lắm, hẹn chuyến đi Phật tích khác sẽ được thưa chuyện cùng bà. Phi trường là nơi gặp gỡ và cũng là nơi chia tay, chia tay để hẹn một ngày được gặp lại. Gặp ở đâu? Phật tích!


Bài & ảnh: Ths Nguyễn Trung Toàn