Tin tức

TRỊNH TIÊN SINH - CƯ TRẦN LẠC ĐẠO

Sáng sớm, khi tôi đang tụng kinh và hành thiền ở văn phòng, chuông điện thoại vang lên nhiều lần, một người bạn báo tin cho hay lát nữa Bác Mười ghé qua văn phòng của anh bạn tôi. Tôi mừng quá, vì mấy ngày trước trong tâm tưởng cứ mong mỏi có dịp nào đó mà bác Mười đi thành phố thì thỉnh bác ghé văn phòng thăm và dạy dỗ đôi điều, nay thành hiện thực. Mà ngay trong thời kinh sáng, sau khi tụng kinh xong, tôi cũng thầm cầu nguyện, mong cho con được cung đón bác Mười đến văn phòng công ty.

Bác Mười, cách gọi thân mật của nhiều người, bác tên thật là Trịnh Văn Mười, là đệ tử của Cố đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa - Người sáng lập Đại Tòng Lâm Phật giáo ở Bà Rịa Vũng Tàu và Tổ Đình Ấn Quang đường Sư Vạn Hạnh, quận 10. Bác Mười và thầy bổn sư của tôi là cố Thượng tọa Thích Minh Phát cùng một thầy bổn sư Thiện Hòa. Khi thầy Minh Phát còn trẻ, bác Mười là người hay đưa đón và chăm sóc thầy Minh Phát đi học và có rất nhiều kỷ niệm với thầy bổn sư của tôi. Khi tôi gặp Bác Mười tôi luôn tôn kính gọi bằng "Sư Bác". Vì Bác lớn tuổi hơn thầy Bổn Sư của tôi và đến Ấn Quang thọ giới với HT Thiện Hòa trước thầy bổn sư của tôi. Bác nhiều lần la rầy, không cho gọi như thế, vì bác nói bác vẫn là cư sĩ. Bác Mười kể:" Tôi xin với HT Thiện Hòa cho xuất gia 3 lần mà không được, HT Thiện Hòa bảo tôi phải ở đời làm cư sĩ để hộ pháp". Lời của Tổ Thiện Hòa không sai và hiểu rõ căn cơ của Bác Mười sẽ là người đem lại sự lợi ích cho đạo Pháp sau này, một vị cư sĩ hộ pháp nhiệt thành. Tiên sinh Trịnh Văn Mười là một bậc thầy phong thủy vĩ đại, bác dùng phương tiện của phong thủy chân truyền để hướng dẫn nhiều doanh nghiệp, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước đến với Tam bảo và hộ trì chánh pháp, đặc biệt là với hệ phái Trúc Lâm Yên Tử của HT Thanh Từ.


Khi đến thăm văn phòng chúng tôi, Tiên sinh mời cuối tuần các cháu đến thăm chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm ở Quảng Ninh, Tiên sinh sẽ đón và đưa đi thăm viếng các chùa ở Quảng Ninh. Tôi cùng với mấy người đạo hữu có duyên tháp tùng cùng nhau 3 ngày cuối tuần đi Quảng Ninh, Trịnh tiên sinh đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài cùng với các sư cô của Thiền Viện Cái Bầu. Khi về đến thiền viện Trúc Lâm giác Tâm hay chùa Cái Bầu, Ni Sư trụ trì đã nghinh đón từ cổng và chắp tay xá Trịnh tiên sinh và xưng là con với Tiên sinh. Tôi vô cùng ngạc nhiên, trong mấy ngày ngắn ngủi, rất nhiều quý thầy và quý sư cô ở các chùa, các thiền viên trong tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh thành khu vực phía Bắc hay tin có tiên sinh về thăm chùa Cái Bầu nên đã đến chùa Cái Bầu để vấn an và thăm hỏi sức khõe của tiên sinh.
Trong thời gian lưu trú tại nhà khách của thiền viện Cái Bầu, tôi may mắn được làm "thị giả" cho tiên sinh, ở cạnh phòng của tiên sinh, với thời khóa công phu hằng ngày hết sức miên mật, cứ 3:00 sáng hằng ngày tiên sinh dậy hành thiền 2 tiếng, đến 5:00 thì kinh hành lễ Phật, thăm hỏi các anh em trong đoàn. Tiên sinh giữ gìn giới luật hết sức nghiêm khắc và cẩn trọng đến từng cử chỉ, điệu bộ, lời ăn tiếng nói, từng hành động thể hiện thân giáo oai nghi của một bậc tòng lâm mô phạm mặc dầu vẫn là một vị cư sĩ Phật tử. Không cầu kỳ xa hoa, không đòi hỏi, sống hết sức giản dị. Không những thế, Tiên sinh còn tiếp kiến các vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh và của Trung ương về chùa thăm khi hay tin tiên sinh đến Quảng Ninh. Tiên sinh nói, nhờ giúp cho nhiều doanh nghiệp và các quan chức, nên họ hổ trợ kinh tế, từ đó hướng dẫn họ cúng dường đến Tam Bảo, phụng sự chánh pháp. Tôi tân mắt chứng kiến nhiều doanh nghiệp và các quan chức cao cấp đến thăm tiên sinh và gửi phong bì cho ông, nhưng ông đem toàn bộ tất cả số tiền đó đều gửi và cúng dường hết cho chùa. Tiên sinh nói, cả đời tôi làm phong thủy, chứ chưa đụng tiền của ai gửi cho mình, tiên sinh điều hướng dẫn cho các thân chủ của mình đến cúng dường trực tiếp cho các tự viện nơi nào đang thiếu thốn cần giúp đỡ thay vì đưa phong bì cho tiên sinh.
Hơn 50 năm trường chay phụng sự đạo Pháp, tiếp xúc với biết bao nhiêu vị trưởng lão trong các thời kỳ Phật giáo nước nhà, giúp ích và xây dựng không biết bao nhiêu thiền viện, chùa chiền ở khắp cả 3 miền đất nước, ấy vậy mà tiên sinh vẫn khiêm cung đều nói là của bá tánh làm chứ mình có làm được gì. Chỉ nhìn cách chư tăng ni cung kính thi lễ với tiên sinh và các doanh nghiệp quan chức đón rước tiên sinh đủ thấy những việc lợi ích cho đời, cho đạo mà tiên sinh đã làm cũng chấn động đến trời người. Công đức ấy tán dướng khôn xiết. Với bề ngoài thanh bần đạm bạc, từ ăn mặc đến sinh hoạt hết sức bình dị, nhưng toát lên sự phi thường của một bậc cư sĩ liễu đạo.


Ngày cuối của chuyến đi, tiên sinh đưa chúng tôi đến thăm Yên Tử, Tổng giám đốc của khu du lịch Yên Tử đến nghinh đón tiên sinh vô cùng trang trọng, mặc dầu 76 tuổi, tiên sinh vẫn hết lòng thành tâm cố gắng đi cùng chúng tôi lên núi lễ Phật, lễ Tổ. Đến chùa Hoa Yên, tuổi cao, sức khỏe lại không cho phép, tiên sinh bảo anh em chúng tôi cố gắng lên chùa Đồng, con tiên sinh ngồi nghỉ ở chùa Hoa Yên, khi ấy, tôi nhớ lại một bài kệ mà tiên sinh đã làm như một sự liễu chứng qua cuộc đời của mình:


"Chống gậy lên non không thấy Phật,
Xuống núi tìm nhà chẳng thấy ma
Quăng gậy hét la ma thấy Phật,
Dậm chân phạch áo ta thấy ta".


Dù tiên sinh vẫn rầy la tôi không được gọi tiên sinh là sư Bác, nhưng tôi vẫn kính trọng và gọi như thế, sắc thân cũng chỉ là hình tướng, y áo cũng vậy mà thôi. Cái làm cho thế nhân kính trọng không phải là hình tướng hay y áo, mà là hành động của một người Thấy Pháp, hành pháp và chấp pháp. Trong kinh Phật cũng từng dạy: "Ta không bao giờ gọi một kẻ biết đắp y, mang bát là một thầy Tỳ Kheo, nhưng vị nào biết tri túc và thực hành Tứ Niệm Xứ thì vị ấy là vị Tỳ Kheo đích thực"
Cám ơn Tiên sinh, cám ơn Sư Bác của con!!!